Mục lục
Mang thai và sinh con là một quá trình vất vả, dù là đối với con người hay bất kỳ loài động vật nào. Với những người nuôi mèo, khi người bạn bốn chân này bước vào thời kỳ sinh sản, bạn cần phải trang bị đủ kiến thức để chăm sóc chúng “vượt cạn” thành công. Vậy mèo mang thai bao lâu? Chăm sóc như thế nào? Cùng Chợ Tốt Thú Cưng tìm hiểu ngay sau đây!
Với loài mèo, trung bình thời điểm bắt đầu có khả năng sinh sản rơi vào khi chúng được 5 – 9 tháng tuổi, hoặc đạt số cân nặng là 2 – 3 kg. Nhìn chung, 5 tháng tuổi là thời gian mà một chú mèo có hàm răng hoàn chỉnh, theo kinh nghiệm dân gian người ta thường cho rằng mèo con mọc đủ răng là bắt đầu có thể sinh sản.
Mèo cái có thể mang thai ngay khi bước vào thời kỳ động dục. Các biểu hiện động dục ở loài mèo là: thích đùa nghịch, âu yếm với mèo đực, bắt đầu hành kinh, thích lăn tròn ra sàn nhà, kêu to và dai dẳng đến nỗi nhiều khi bạn sẽ khó chịu với tiếng kêu của chúng.
Chu kỳ động dục và giao phối để sinh sản của mèo thường diễn ra trong 21 ngày, trong đó giai đoạn động dục kéo dài 7 ngày. Nếu trong thời gian này chúng không gặp được mèo đực hoặc chưa mang thai thì chu kỳ tới sẽ trở lại trong khoảng 4 – 6 tuần sau đó.
Loài mèo sinh sản chủ yếu vào các mùa ấm áp như mùa xuân và mùa hè, tuy nhiên khi được chăm sóc đầy đủ trong điều kiện thời tiết ổn định thì chúng sinh sản hầu như quanh năm. Trung bình mỗi năm một chú mèo cái sinh được khoảng 3 lứa.
Dù bắt đầu tuổi sinh sản từ sớm nhưng thời điểm tốt nhất để cho mèo giao phối và mang thai là khoảng 18 tháng tuổi. Lúc này cơ thể chúng đã phát triển hoàn thiện, đủ khả năng để sinh sản và đảm bảo được cả sức khoẻ của mèo con lẫn mèo mẹ.
Trong quá trình nuôi mèo, người nuôi nên lưu ý quan sát và nắm bắt kịp thời khi mèo mang thai. Biết được điều này sẽ giúp bạn chuẩn bị và chăm sóc mèo tốt hơn, tránh xảy ra các trường hợp đáng tiếc.
Thường khi mèo cái bắt đầu mang thai sẽ có những sự thay đổi khác thường về cả cơ thể, hành vi lẫn tính cách. Nếu chịu khó quan sát thì bạn sẽ rất dễ nhận biết một chú mèo có mang thai hay không qua các dấu hiệu như:
Các thay đổi về cơ thể thường sẽ đến muộn hơn so với hành vi và tính cách. Thường các dấu hiệu bụng to ra, đầu ti có sữa sẽ đến khi mèo mang thai được khoảng 1 tháng. Sau khi nắm được dấu hiệu mang thai và thời gian mèo mang thai bao lâu thì bạn có thể tính toán được ngày sinh để chăm sóc mèo tốt hơn.
Người nuôi cần nắm được mèo mang thai mấy tháng để chuẩn bị tốt cho quá trình chúng sinh nở. Theo đó, trung bình thai kỳ của mèo sẽ diễn ra từ 55 – 71 ngày, tuỳ vào đặc điểm của từng giống mèo mà mèo mang thai bao lâu sẽ còn xê dịch một chút. Trung bình mèo cái có thể sinh được 3 – 6 con/ 1 lứa đẻ.
Trong quá trình mèo mang thai, bạn nên theo dõi sát sao và chăm sóc chúng kỹ lưỡng hơn theo từng giai đoạn của thai kỳ. Thường thì mèo mẹ có thể tự sinh con nhưng cũng có nhiều giống mèo nhỏ con hoặc nhiều bé gặp vấn đề sức khỏe khiến chúng bị khó sinh. Người nuôi cần chủ động lưu ý các vấn đề này để hỗ trợ kịp thời.
Đặc điểm sinh sản | Mèo |
Độ tuổi khả năng mang thai | Từ 5 – 9 tháng tuổi |
Chu kỳ sinh sản | 21 ngày |
Số lần mang thai trung bình / năm | 3 lần |
Thời gian mang thai | 55 – 71 ngày |
Số con trung bình / lứa | 3 – 6 con |
Độ tuổi hết khả năng sinh sản | 8 tuổi |
Mùa sinh sản | Quanh năm, nhiều nhất vào mùa xuân và mùa thu |
Khi bắt đầu nhận thấy dấu hiệu mèo có thể mang thai, điều đầu tiên bạn nên làm là mang chúng đi khám bác sĩ thú y. Nếu chú mèo của bạn được xác nhận là đã mang thai, hãy xin tư vấn từ các bác sĩ để có phương pháp chăm sóc tốt nhất.
Ngoài ra, nếu bạn quá bận rộn hoặc gặp khó khăn trong việc đưa mèo tới phòng khám thì có thể tham khảo các cách chăm sóc dưới đây:
Khi bước vào thai kỳ, mèo mẹ sẽ ăn nhiều hơn, cho nên khẩu phần ăn hằng ngày của chúng cần được tăng lên cả về chất lẫn lượng. Tăng lượng calo trong khẩu phần ăn lên, đặc biệt là vào những ngày cuối của thai kỳ vì lúc này mèo con phát triển rất nhanh và cần nhiều chất dinh dưỡng cho sự tăng trưởng.
Các loại thức ăn nên bổ sung nhiều cho mèo mang thai là thịt, cá, pate, gan,… và lúc nào cũng phải có đủ nước uống sạch. Bạn cũng cần phải cân đối chế độ dinh dưỡng cho chúng, hạn chế bổ sung quá nhiều chất béo khiến mèo con trong bụng thừa cân dẫn đến mèo mẹ bị khó sinh.
Người nuôi có thể tự chế biến thức ăn cho mèo hoặc nếu không có nhiều thời gian thì nên sử dụng các loại thức ăn sẵn chuyên dụng được bán trên thị trường. Nên làm phong phú thực đơn hằng ngày để mèo mẹ ăn ngon miệng hơn.
Trong quá trình mèo mang thai, đặc biệt là càng về giai đoạn gần ngày sinh thì người nuôi càng cần phải theo dõi sát sao. Cố gắng giữ cho mèo ở trong nhà cho tới khi sinh xong, nhiều loài mèo có xu hướng ra ngoài tìm ổ đẻ và tự sinh con ở ngoài.
Để tránh trường hợp này, bạn cần chuẩn bị sẵn ổ đẻ cho mèo mẹ và để chúng nhận thức được điều đó. Hãy mua sẵn một cái ổ cho mèo tại nơi bán phụ kiện thú cưng. Bạn cũng có thể chuẩn bị thùng carton lót một ít giấy báo hoặc vải ở bên trong để làm ổ và đặt tại một vị trí yên tĩnh, ấm áp, khô ráo, ít người qua lại. Chuẩn bị đầy đủ thức ăn, nước uống, cát vệ sinh,… đủ để mèo sử dụng trong thời gian nằm chờ sinh.
Không nên lại gần hoặc để người lạ, các vật nuôi khác tới gần ổ đẻ của mèo quá nhiều. Điều này có thể làm chúng cảm thấy không an toàn và bỏ đi tìm nơi khác. Nhìn chung, bạn cần tìm nơi kín đáo để đặt ổ cho mèo sinh con.
Thường khi mèo mang thai được 20 ngày thì các bác sĩ thú y có kinh nghiệm đã có thể kiểm tra bụng và xác định được phôi thai. Nếu chưa chắc chắn thì ở giai đoạn này việc siêu âm cũng đã xác định được nhịp tim của thai, nên hãy yêu cầu siêu âm nếu cảm thấy cần thiết. Và từ khoảng 45 ngày sau khi mèo mang thai thì để xác định được số lượng mèo con cũng như tình trạng bào thai bạn có thể yêu cầu bác sĩ thú y chụp phim để biết chi tiết.
Cần lưu ý không thực hiện tiêm vắc xin, tẩy giun hoặc cho mèo sử dụng các loại thuốc chữa bệnh trong quá trình mang thai. Nếu sử dụng bất cứ loại thuốc nào thì cần phải có sự tư vấn từ bác sĩ thú y.
Nhiều người thắc mắc có nên tắm cho mèo mang thai hay không thì câu trả lời là không. Tuyệt đối không nên tắm cho mèo trong suốt thời gian thai kỳ và cho tới khi mèo con sinh ra được 1 tháng tuổi. Giai đoạn này mèo rất sợ lạnh, cho nên cần giữ nơi ở của chúng luôn được ấm áp.
Mèo nuôi nhà nói chung sẽ khó sinh hơn so với mèo sinh trưởng ngoài tự nhiên. Đặc biệt một số giống mèo cảnh nhập chưa hoàn toàn quen với khí hậu tại Việt Nam càng cần được chăm sóc cẩn thận hơn.
Cố gắng túc trực bên chú mèo của bạn trong giai đoạn sinh nở để thực hiện các việc vệ sinh và lót ổ, chăm sóc những chú mèo con mới chào đời. Trong trường hợp mèo có dấu hiệu khó sinh thì cần đưa chúng tới bác sĩ thú y ngay để được can thiệp, sử dụng các phương pháp hỗ trợ.
Nhìn chung, trong quá trình nuôi dưỡng và chăm sóc mèo, người nuôi sẽ phải đối mặt và chuẩn bị tâm lý cho nhiều vấn đề khác nhau, một trong số đó là quá trình sinh sản của chúng. Thông qua các thông tin mà Chợ Tốt Thú Cưng vừa chia sẻ trên đây, hy vọng bạn đã nắm được mèo mang thai bao lâu cũng như có thêm nhiều kinh nghiệm hữu ích để nhận biết và chăm sóc bé mèo cái của mình. Chúc bạn thành công!